Thoughts On
Miền Tây 2023
Vé số Tam Nông
Last updated on Apr 02, 2023

9

Bỏ giầy vô!

6h45 tôi dậy, đánh răng rửa mặt xếp đồ, 7h15 đi. Hôm nay tôi sẽ đi Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ra ngõ trước nhà, làm bát hủ tiếu bò kho, rất giống sốt vang ở ngoài Bắc. Tôi sợ nhiều mỳ chính nhưng lại không thấy có dấu hiệu bị say, nước ngọt ngon, bát to đùng, 35k.

7h45 bắt xe ôm từ Trần Hưng Đạo tới bến xe miền Tây (BXMT), 5k/km (grab là 9k cho 3 km đầu và 3k cho các km sau, trung bình 6.5k/km tuỳ quãng đường). Anh xe ôm hỏi tôi BXMT nào. Tôi hỏi "ủa không phải chỉ có 1 BXMT ở Kinh Dương Vương thôi sao". Chắc anh vừa coi tiktok xong nên hơi lẫn tí.

8h15 tới BXMT, tôi đi vào khu chờ nhà xe Phương Trang, vừa kịp lúc người ta gọi loa lên xe. Lần đầu đi xe khách, lớ nga lớ ngớ nhưng vẫn tỏ ra lạnh lùng, quan sát thấy mọi người bỏ giầy trước khi lên xe, tôi cũng bỏ giầy, cầm tay. Lên xe, bác tài đưa cho bịch nilon, tôi ngơ ngơ mặt khó hiểu mình không bị say xe có nôn đâu lấy làm gì. Bác tài gắt "bỏ giầy vô!". Tôi nghe nhưng vẫn không hiểu, "bỏ vào đâu cơ?", vì tôi vẫn không nghĩ cái bịch nilon là cho giày dép.

Lên xe, lần đầu đi xe ô tô mà được nằm, dễ chịu. Anh lơ xe đi từng người hỏi xem muốn xuống ở đâu để anh sắp xếp và dừng xe dọc đường cho tiện. Tôi giật mình vì tôi có lịch trình gì đâu, có biết là phải tới đâu đâu. Mở bản đồ ra, tôi xem ở Cao Lãnh có khu ẩm thực gần UBND Thành phố, tôi liền bảo cho tới đó, chứ chẳng lẽ lại bảo ơ anh ơi em không biết đi đâu cứ cho em đi đi. Xong cái tôi ngủ, được nửa đường thì tỉnh, xe tấp vào nghỉ 25 phút. Tôi đi mua bánh bột lọc Huế ăn vì nhớ miền Trung. Ăn xong vừa kịp lúc lơ xe gọi giục lên xe.

Đồng xanh chim yến đen

Lên xe đi tiếp, khoảng 2 tiếng sau thì tới Cao Lãnh. Đối diện UBND Thành phố là Vincom Cao Lãnh. Ở đây nhộn nhịp sầm uất hơn tôi nghĩ. Tôi ra hỏi chú bảo vệ Vincom xem bắt xe ôm ở đâu vì tôi muốn đi rừng Tràm Chim. Chú bảo không biết, ở đây ít xe ôm lắm. Tôi bye chú, chú vỗ nhẹ vào tay tôi "chúc may mắn giữa trời nắng này nhé". Tôi nhìn sang bên kia đường, thấy bến xe bus. Có mấy chú ngồi trên xe máy đang ở đó. Ủa kia không phải xe ôm thì là gì. Chưa kịp sang đường để hỏi thì có 1 chú xe ôm khác từ đâu phóng tới hú lên ê ê xe ôm không. Tôi mặc cả 150k để tới Tràm Chim, 37km. Chú đòi 200k, nhưng sau đó chú đồng ý 150k.

Trên đường đi, điều đầu tiên tôi ấn tượng là cánh đồng lúa trải dài rộng khắp 2 bên đường, có cả cò trắng. Ở quê tôi người ta chuyển đổi đất nông nghiệp thành khu đô thị rồi, ít thấy cánh đồng rộng mênh mông thế này lắm. Tôi bỏ khẩu trang, hương lúa sắp trổ bông từ vựa lúa của cả nước xông vào mũi vào mặt thơm phức. Dọc 2 bên đường có các vựa trái cây, thỉnh thoảng lại thấy các đường ống nước dẫn nước từ 1 cái kênh từ bên này đường sang bên kia đường, vắt vẻo trên đầu các phương tiện xe cộ. Chú xe ôm nói trước đây cái kênh này nhiều cá lắm, sau người ta đánh bắt bằng điện, chết hàng loạt, cá đẻ không kịp, rồi cả giặt quần áo, chất thải đổ ra, giờ không còn cá nữa.

Đi được 1 đoạn, tôi nghe chim ở đâu kêu rất to, là từ 1 ngôi nhà. Tôi nghĩ nhà ai mà để chim vào làm tổ thế thì làm sao mà ngủ được. Đi tới gần mới biết là nhà nuôi yến, còn tiếng chim kêu to kia là từ cái loa người ta làm giả tiếng chim. Sau đó tôi mới để ý những con chim đen nhỏ đang bay như chơi đùa với ngọn gió trên cánh đồng xanh ngắt kia hoá ra là chim yến. Ngày xưa cô giáo dạy tả cánh đồng với những đàn cò trắng. Giờ thời thế thay đổi, cánh đồng xanh với những con chim yến đen.

Bỗng nhiên tôi nhớ ra ơ chú ơi lát cháu về lại TP thì đi kiểu gì ạ, vì ở Tràm Chim chắc vắng người lắm. Chú bảo bắt xe bus. Tôi nghĩ nếu biết có xe bus thì tôi đã không vội bắt xe ôm rồi. Tới nơi, tôi gửi chú 180k.

Trà sữa nhạt

Đứng trước cửa Tràm Chim, thực ra chẳng có cái cửa nào cả, chỉ là cái chỗ bắt thuyền tham quan nằm ngay cạnh đường chính. Tôi đi loanh quanh, tìm người hỏi chỗ bán vé. Tới chỗ chị bán hàng rong, chị chỉ ra cái nhà cách đó 50m. Tôi hỏi bây giờ có sếu đầu đỏ không, chị bảo chiều tối hoặc sáng sớm mát may ra mới có. Tôi hỏi thế trong rừng có gì hay, chị bảo mua cho chị thứ gì đó đi rồi hỏi tiếp.

Tôi mua 8 quả mận (miền Bắc gọi là gioi) 20k. Tôi ngồi ăn mận và nói chuyện với chị. Chị thường bán từ 8h tới 17h, được 10 năm. Hàng ngày phải kéo xe bán hàng lên đò để qua sông thì mới tới đây được. Được một lúc tôi thấy khát, hỏi chị bán chè không, chị nói không nhưng có bán trà sữa. Chị nói đây là trà sữa con dâu nấu, thạch và trân châu đều là tự nấu, trà cũng tự làm, mỗi ngày chị phải ăn 3 cốc. Tôi thấy không ngọt như bình thường, thậm chí còn nhạt, nhưng đúng khẩu vị của tôi. Tôi bảo bán trà sữa mà tự nấu thế này đắt khách lắm, vì người ta thấy không độc hại người ta càng thích. Chị bảo ừ 2 vợ chồng thằng út đắt khách lắm. Tôi hỏi ủa vậy còn anh hai? Chị nói thằng cả vừa đột quỵ mất hồi tháng 5 năm ngoái. Cậu ấy sang Nhật làm, đang nhậu với tụi bạn thì đột ngột gục xuống. Cảnh sát còn giữ lại hết cả nhóm bạn vì sợ chơi thuốc nhưng cuối cùng không phải do chơi gì cả. "Lúc bạn ấy ra đi chị đau đớn lắm. Đây này, cho chú xem ảnh, cả bồ nó nữa. Bồ nó thương nó lắm, đó giờ vẫn nhớ nó, chưa thích ai khác. Đây cho chú xem ảnh cậu ấy leo núi, nhìn về hướng quê nhà nhớ mẹ, sợ mẹ buồn nên gửi ảnh này cho chị đó. Đây này, trên miệng núi lửa ở Nhật đó. Hồi bạn ấy sang gầy nhưng sau béo ra đẹp trai lắm. Chị không có cái ảnh nào làm ảnh thờ, nên lấy cái bạn ấy chụp lúc đi chùa ở Nhật này..."

Tôi không biết nên nói gì, chỉ nhìn chị, nhìn những bức ảnh và nghe chị nói. Lúc sau tôi hỏi về cậu út, cậu út 22 tuổi lấy vợ. Vừa tốt nghiệp cấp 3 thì đăng ký đi nghĩa vụ luôn vì biết kiểu gì cũng phải đi nên tự nguyện xin đi, chứ không xong đang yêu hay cưới rồi mới đi thì bất ổn lắm. 2 năm sau cậu ấy về học trường nghề rồi lấy vợ. 2 vợ chồng tự kinh doanh trà sữa. "Chiều tối chị về chị còn phụ 2 đứa nó bán tiếp nữa."

Ngồi một lúc có chị bán vé số đi qua, chị lại dạy tôi một đống thứ hay ho. Vé số ở mỗi nơi lại được mở thưởng theo chu kỳ khác nhau, có nơi mở thưởng hàng ngày, có nơi mở thưởng theo tuần. Vé số được chia thành các khối. Trong 1 khối, cứ khoảng 7 tờ thì lại có 1 tờ trùng số seri, chỉ khác chữ cái ABC ở cuối. Nếu 1 tờ trúng giải và mình có 3 tờ giống hệt 6 số (chỉ khác chữ cái ở cuối), thì mình sẽ nhân 3 lần giải. Tới chiều tối tôi kiểm tra giải thưởng thì phát hiện ra chị bán cho tôi 2 tờ giống hệt 6 số. Chị bán vé số và chồng cùng làm nghề này. Mỗi tờ chị bán 10k, người ta trả cho chị 1k. 1 ngày cố bán lắm thì được 200 tờ, thu được 200k.

Tôi hỏi 2 chị vào Tràm Chim giá thế nào, chị nói 800k/thuyền, đi ghép thì còn 300-500k. Sau khi nghe các chị kể trong đó có gì thì tôi không vào nữa. Giờ tôi hơi tiếc vì đã mất công đến tận đó mà không vào ngó cái cho biết. Tôi hỏi đường ra chợ Tam Nông và tạm biệt các chị.

Cháy chợ

Đi bộ 2.5km ra chợ Tam Nông, tôi dừng lại mua cái quần đùi, rồi xin chị bán hàng cho ngồi nhờ một lúc vì nắng nóng quá. Tôi hỏi chuyện chị, và chị lại đoán tôi ở Huế.

Chị kể chị không lấy chồng, không có con, ở với mẹ và vợ chồng em út. Em thứ 2 làm lập trình ở Sài Gòn. Ba chị mới mất năm ngoái do covid làm suy yếu cùng với các bệnh nền khác. Chị nói lúc cả nước bị covid thì nhà chị không sao. Tới lúc hết dịch thì nhà chị mới bị nên chị tiếc lắm. Lúc đầu chữa cho ba thì ở viện tư nhân 8 triệu/ngày, sau đó xin sang viện công thì người ta không cho vào chăm sóc. Hôm đưa về, máy thở dây dợ lằng nhằng, người ba phù nề vì truyền dịch, chị nhìn thương lắm. Tới lúc rút dây ra mới xẹp lại. Cậu út ngày xưa cũng học lập trình, mà ba bệnh nên bỏ việc về chăm. Sau này làm lại thì người ta không mướn nữa, nên đi bán áo quần. Xong lại bán cửa hàng về chăm ba, giờ ở đây bán trà sữa cũng đắt hàng.

Chị kể ngày xưa chị bán quần áo ở Rạch Giá được lắm, tiết kiệm được 500 triệu, suýt nữa còn được sang Mỹ làm ở tiệm làm móng. Hồi đó chị thích đi nước ngoài lắm, bán cả cửa hàng để có tiền đi. Nhưng sau đó kế hoạch không như ý, mà lỡ sang lại cửa hàng rồi, nên chị đành về Tam Nông. Về cũng buôn bán được, nhưng tới 2015 thì cháy chợ, mất gần hết, coi như làm lại từ đầu. Giờ chị bán không đắt khách như ngày xưa vì người ta toàn mua online, mà chị cũng không ham kiếm tiền nữa, làm ra nhiêu ăn ngần đó. Một năm chị bán 8 tháng không liên tục, tính ra nghỉ ở nhà hoặc đi thăm họ hàng chơi 4 tháng. Tôi ngồi nói chuyện với chị, thỉnh thoảng lại có người đi qua ới vào nói với chị "lâu lắm mới thấy mặt nhé". Hoá ra hôm nay là ngày đầu tiên chị đi làm sau cả tuần chị ở nhà nghỉ. Đúng là rất có duyên.

16h30 tôi ra cổng chợ bắt xe bus về TP, đứng đợi cùng 2 mẹ con. Bạn nhỏ là 1 em gái học lớp 11 chuyên Văn trường Nguyễn Quang Diêu. Tôi lại nói chuyện linh tinh với 2 mẹ con, kể cho 2 mẹ con nghe về việc tôi đang làm cái gì ở Tam Nông này. Lên xe, tôi hỏi em gái về những món ngon ở Cao Lãnh ẻm hay ăn. Em ấy giới thiệu món hủ tiếu khô ở khu phố ẩm thực ngã tư Đèn Dầu, chính là chỗ gần UBND TP. Xuống xe bus, tôi cảm ơn em, cho em 1 cái bánh tôi mang từ Sing về.

Hủ tiếu khô

7

Bác tài quên nhắc tôi xuống ở UBND TP, nên tôi xuống tận cuối bến. Tôi nhìn mặt trời để đoán hướng vào trung tâm nhưng ông ý lặn rồi. Tôi cứ cuốc bộ đại ngược hướng với hướng xe đi. Đi được một đoạn thì tôi thấy khu phố ẩm thực ngã tư Đèn Dầu.

Đi tìm hủ tiếu khô nhưng không thấy, tôi đi bộ ra 1 cái cầu không tên màu hồng gần đó xem lũ trẻ thả diều. Tôi ngồi nói chuyện với tụi nhỏ 45 phút. Mấy đứa nói tôi trông như học lớp 11, không biết Hà Nội ở đâu, và cũng không biết nơi mình đang sống là TP Cao Lãnh. Có 2 chị em Ti (Oanh) và Boi (tôi quên tên thật rồi) và 1 bạn nữa. Boi lớp 4, hỏi tôi nhà anh có nuôi chó không, vì em thích chó; anh có gặp ma chưa, hồi nhỏ em thấy cái thau đựng thức ăn cho chó tự di chuyển giữa đêm khuya; anh có gặp Youtuber trong khi chơi game chưa, em gặp tới 4 lần...

Nói chuyện 30 phút tôi mới đứng dậy đi tìm đồ ăn. May là tôi tìm được hủ tiếu khô, nó không phổ biến ở cái chợ này, chỉ có 1 quán bán thì phải. Tôi ngạc nhiên vì sự ngon của nó, cách bày trí giống như bún chả, có bát súp với thịt băm, mực, tôm, trứng cút, sò; có đĩa rau sống gồm húng quế, xà lách, cải cúc, cần tây; và bát bún trộn xì dầu với rau giá, rau thơm, hành lá, hành khô.

Ăn xong, tôi quay lại tạm biệt tụi nhỏ, tìm đường tới nhà nghỉ mà tôi còn chưa tìm và tất nhiên là chưa đặt. Ngồi tìm một lúc, tôi gọi hỏi giữ chỗ tại Khách sạn Hoa Lan 43 Nguyễn Thị Minh Khai, 180k/đêm. Tôi có ghé qua 1 nhà nghỉ vắng vẻ hỏi giá thì chỉ mặc cả được từ 200k xuống 180k nên tôi từ chối.

Trên đường đi bộ 2.5km tới khách sạn, tôi thấy nóng nực và mệt, có phần nản. Thật quý giây phút lúc ở nhà. Đó là tôi chỉ có việc đi chơi, còn nhiều người đang kiếm sống ngoài kia còn cực khổ hơn nhiều. Trên đường đi, tôi thấy có 1 bà lão ngồi xổm trên vỉa hè vắng, xung quanh không một bóng người, đang đếm số tiền bán vé số thu được sau một ngày.

Tới khách sạn, anh chủ nói ngày xưa công ty điều anh qua Hà Nội công tác 5 năm mới cho về. Công ty ở Thanh Xuân, ảnh thường xuyên chở hàng qua Sóc Sơn quê tôi. Tôi thấy thật tình cờ và may mắn khi có duyên gặp ảnh. Cũng giống khi hồi chiều tôi nói chị bán quần áo ở chợ Tam Nông, "em thực ra chẳng có ý định mua quần áo gì đâu, chỉ là tuỳ hứng đi vào và tuỳ người bán, chị em mình phải rất có duyên thì mới ngồi lại được như vầy."

Tôi tắm rửa giặt giũ, vắt quần áo tấy đỏ cả tay, lên giường nghỉ ngơi và viết những dòng này.