Chợ nổi Cái Răng
4h26 tôi tỉnh trước cả đồng hồ, đánh răng rửa mặt, xỏ dép đi bộ từ Lê Lai ra bến Ninh Kiều vì đi giầy sợ ướt. Đôi dép đi bị đau chân, phần mui trước cứa vào ngón áp út bên phải. Chưa hết, gót chân tôi bị tai nạn nhiều năm trước, bị mất 1 phần gót, nên cái quai dép cứ bị tụt xuống vì chẳng có gót để giữ. Tôi bỏ dép ra đi chân đất. Chợt nghĩ, mình bỏ quần áo ở nhà nghỉ rồi, sao không bỏ giày vào ba lô nhỉ, vẫn vừa mà, lại vội vàng nghĩ chưa đủ kĩ rồi.
Ra bến tàu, đợi 30 phút, 5h30 tàu mới đi, tôi là khách ghép đoàn nên được ưu tiên cuối. Bình minh ở đây đẹp như ở các vùng sông nước miền Tây khác. Đi xuống sông nước, mùi nước ngọt tanh tanh, gió thổi mát rượi vì đi tàu máy. Đi tới khu chợ nổi Cái Răng, không đông đúc như tôi tưởng, chắc vì muộn rồi. Có nhiều thuyền ra vào trao đổi buôn bán, nhưng cũng có nhiều thuyền chỉ phục vụ khách du lịch. Thỉnh thoảng các thuyền con phải dừng lại để gỡ túi nilon ra khỏi cánh quạt máy. Người dân sinh sống giặt giũ buôn bán trên thuyền, thỉnh thoảng vài tháng mới về quê 1 lần, như đi nước ngoài vậy. Có cả những thuyền bài trí như nhà ở trên đất liền, cũng có hàng rào và lợp mái tôn.
Thuyền đi thăm chợ sẽ được chở vào các nhà hàng nổi để khách du lịch ăn sáng. Đồ ăn không ngon bằng mấy quán dân dã, nhưng cũng có đặc sản bún riêu cua đồng, hủ tiếu nam vang, cà phê không lắc vì ăn trên cái nhà nổi chẳng di chuyển lắc lư gì. Nhìn xung quanh chợ nổi, hầu hết tôi thấy thuyền khách du lịch và thuyền buôn bán phục vụ du lịch. Không phủ nhận lợi ích kinh tế, nhưng giá trị văn hoá và tập quán truyền thống đã mai một đi ít nhiều.
Địa điểm tiếp theo là miệt vườn. Ở vùng sông nước, vườn cây nằm xen kẽ giữa những mương nước nhỏ sâu 1m. Tôi xin chèo 1 chiếc thuyền nhỏ, công nhận khó thật nhưng tích luỹ chắc cũng được ít kinh nghiệm đủ lấy bằng làm "tài công" - tên gọi người lái thuyền. Tôi nằm ngủ trên võng ở miệt vườn, chút nữa thì lạc mất đoàn. Ở vườn người ta hát đờn ca tài tử hay lắm, mà khách du lịch xin hát hết cả chương trình. Tôi nghe được đúng 1 đoạn ngắn lúc đầu đặt chân tới. Cũng may hôm qua nghe ké được ở hàng rào của 1 cái nhà hàng rồi. Phải công nhận nghe live khác hẳn, chạm tới cảm xúc luôn.
Lại vội vàng
Lúc ngồi trên tàu, tôi đặt vé đi Cà Mau lúc 13h. Đặt xong thì tôi lại đi hỏi bạn Kỳ hướng dẫn viên, bạn ấy nói Rừng Tràm Trà Sư ở Châu Đốc là phải đi. Tôi định bỏ qua Châu Đốc, vì nghĩ ở Tràm Chim cũng có tràm mà tôi còn chẳng đi, chắc rừng tràm Trà Sư cũng thế. Nhưng nghe Kỳ nói xong, tôi đổi ý và gọi điện huỷ vé lúc 9h10. Vé huỷ trước 4 tiếng xe chạy thì chỉ mất 10%, trước hơn 30 phút thì mất 30%. Tôi mất 30%, chỉ có 10 phút chênh lệch. Giá vé 180k, tôi nhận lại 126k. Tôi tiếp tục đặt vé đi Châu Đốc lúc 14h.
Việc vội vã đặt xe này lại khiến tôi mất tiền ngu. 3 ngày liên tiếp, 2/4 không kiểm tra xe bus nên đi xe ôm đắt gấp 6 lần, 3/4 thì vội lên xe ôm ra bến xe nhưng lại không có xe nên lại quay lại thành phố, 4/4 mất 54k vì đặt vé đi Cà Mau quá vội. Có 2 vấn đề ở đây, 1 là tôi đã tìm hiểu nhưng chưa đủ kỹ, phải hỏi người dân ở đây nhiều hơn nữa. Vấn đề 2 là việc này khiến tôi bực với chính bản thân lần nữa. Cuối chuyến đi, Kỳ nói đi là sẽ có vui có buồn, mình lan toả niềm vui và học từ nỗi buồn. Những khó khăn và bài học trong chuyến đi không chỉ thêm kinh nghiệm sống và đi, mà còn giúp tôi biết được bản thân có yếu điểm gì, hay bị gặp vấn đề trong trường hợp nào và vào thời điểm nào. Có thể tôi vẫn sẽ lặp lại những sai lầm, nhưng mỗi lần sai lại là một lần học, là một câu chuyện tôi gom góp được cho chính mình. Hoá ra trước giờ tôi vẫn sống vội vã như vậy.
Từ nhà nghỉ, tôi tìm xe bus để ra bến xe trung tâm TP, google map nói xe 02 nằm ngay ngoài ngõ. Ra tới nơi, cô hàng nước nói đoạn đường này ế quá người ta không chạy nữa. Cô bảo ra gần cổng bệnh viện Đa khoa Cần Thơ ở ngay đầu công viên Lưu Hữu Phước kìa mà bắt. Tôi cuốc bộ tiếp. Ra tới nơi, chú xe ôm nói xe bus ở đây có vài tuyến, mà cái xe đi tới bến xe trung tâm mấy tiếng mới có 1 chuyến. Tôi không tin lắm nên gọi cho tổng đài xe Phương Trang hỏi, mà nhân viên nói đợi tìm thông tin rồi ngắt kết nối luôn, chắc chẳng có ai đi hỏi xe bus cả. Người dân ở đây chủ yếu dùng phương tiện cá nhân, cần đi đâu thì xe ôm hoặc đặt grab, chẳng ai đi bus. Có thể ở đây tắc đường ít nên phương tiện công cộng chưa được đầu tư.
Chú xe ôm tiếp tục khuyên tôi đi 30k thôi. Tôi nghĩ, mình vội vàng nhiều lần và mất tiền ngu nhiều rồi, nhưng chẳng nhẽ đứng đợi ở đây cả tiếng giữa trời nắng, rồi lỡ mất xe thì sao. Tôi nhìn chú mặt nhăn nheo rơm rớm nài nỉ, chú ơi cháu mà có thì cháu đã đi rồi, cháu cũng muốn đi lắm chứ, chú giảm cho cháu được ít nào không chú ơi. Chú nhìn thương, nắng nôi thế này, chú giảm cho 5k, thế là tôi đi.
Học đã khó còn chán
Ra bến xe trung tâm TP Cần Thơ, có cái toà nhà to đùng mới tinh, bật điều hoà mát lạnh, nhưng vắng tanh. Trên google map nói đây là bến xe Cần Thơ mới. Vẫn chưa hết cay cú vì vụ 2 cái bến xe Cao Lãnh tên giống hệt nhau, tôi thầm nghĩ hy vọng sau này không có cái bến xe nào tên là "Bến xe Cần Thơ mới hơn", "Bến xe Cần Thơ mới hơn nữa", "Bến xe Cần Thơ mới hơn cả mới hơn nữa", hay là "Bến xe Cần Thơ mới nhất", "Bến xe Cần Thơ mới hơn cả mới nhất".
Tôi đi vào toà nhà mới đó tính kiếm chỗ ngủ ở dãy ghế góc nhà. Vừa đặt mông xuống thì thấy 1 em gái nhỏ tầm 15 tuổi trên tay cầm 200k, đang bồng 1 đứa bé tầm 1 tuổi. Tôi tò mò lại gần hỏi chuyện. Em tên Nhi đang dỗ cho em ngủ để cho má bán hàng ở bên khu đỗ xe cạnh đó. Nhi học lớp 10, mà nghỉ học từ năm lớp 6 rồi. Em nói học lớp 10 cho tôi dễ hiểu thôi. Tôi hỏi thêm, Nhi nói xin ba má cho nghỉ vì học vừa khó vừa chán, ba má cũng đồng ý cho nghỉ để giúp bán hàng. Thỉnh thoảng Nhi cũng nhớ bạn bè và muốn đi học, nhưng nếu chọn lại em vẫn muốn nghỉ cho nó nhàn... Tôi hỏi cầm tờ 200k chi, Nhi nói cầm chơi thôi chẳng làm gì...
14h xe chạy, một chuyến xe bất ổn. Xe hỏng máy lạnh. Thấy tội mọi người thôi chứ tôi thì thấy bình thường. Có điều, nửa thời gian đầu thì có thằng nhóc ngồi trên bật tiktok, bên trái tôi thì cậu thanh niên gọi vợ gần tiếng đồng hồ, gọi hồi nghỉ lại gọi lại. Nửa thời gian sau tôi chạy xuống phía dưới ngồi, lại có bạn nữ sinh viên ngồi trên kéo tiktok tiếp, thỉnh thoảng lại kéo đi kéo lại 1 bài suốt 5-10 phút. Nhạc tiktok chuyển liên tục, đầu óc và các luồng suy nghĩ bị ngắt quãng như kangaroo nhảy. Chưa hết, anh thanh niên bên phải cũng hùa theo, kéo tiktok, được lúc lại chuyển qua youtube. Đi về miền Tây không gặp dưa thì gặp toàn dừa.
Xuống xe lúc 17h30, tôi giúp đỡ đôi bạn trẻ người Pháp bắt xe vào trung tâm TP Châu Đốc bằng xe trung chuyển miễn phí của Phương Trang. Bạn nam mới tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Sinh học ở Thuỵ Sĩ, còn bạn nữ mới tốt nghiệp ngành Tâm lý học ở Pháp. Mấy bạn đã đi chơi được gần 6 tháng rồi, sau Việt Nam sẽ là Campuchia. Các bạn nói không thích Sài Gòn vì nó chẳng khác gì mấy TP ở châu Âu, quá đông người, quá hiện đại. Hà Nội thì khác Sài Gòn ở chỗ là nó "authentic" hơn, cổ kính hơn. Sáng nay lúc rời Adora, có anh người Nhật đáng ra phải trả phòng hôm nay để về Sài Gòn, nhưng ảnh lại đổi ý muốn thuê thêm 2 ngày nữa ở Cần Thơ. Tôi tò mò hỏi tại sao ảnh đổi ý, ảnh nói "vì tao không thích Sài Gòn, tao thích thiên nhiên hơn. Cần Thơ có sông nước, chi phí rẻ, không gian thoáng hơn nhiều".
Xiên không bẩn
Xe trung chuyển vào trung tâm TP. Như bình thường, tôi lại tìm đại 1 điểm để bảo anh lơ cho xuống, lần này là chợ Châu Đốc. Tôi đi kiếm xôi xiêm, nhưng không thấy vì là chiều tối rồi. Đói quá, tôi tạt vô 1 hàng bánh mỳ, thưởng thức bánh mỳ Châu Đốc với đậu cô-ve, đậu bắp, dưa chuột, lá dăm, rau thơm, rau gì nhìn như rau muống, kẹp bò viên và cá viên, gọi thêm 1 xiên bò viên cá viên chiên mắm, 1 xiên ốc bột chiên. Ăn một lúc mới nhận ra hoá ra đây chính là hàng "xiên bẩn" mà mấy bạn sinh viên hay ăn, nhưng mà nó không bẩn.
Ngồi ăn và hỏi chuyện chị bán hàng tên C, chị C mới bán được vài tháng, chồng chị mới bị lệch đĩa đệm 7 tháng trước nên không làm ăn gì nữa, có mỗi chị nuôi mẹ già, chồng ốm, và 3 đứa con. Đứa đầu 20 tuổi, chị cho học đồng thời nghề điện lạnh và học chữ từ khi lên cấp 3, rồi giờ đi làm thực tập bên ngoài chủ trả 100k/ngày, lương học việc. Tiền ăn uống xăng xe bạn ấy tự lo. Bạn thứ 2 15 tuổi, cũng vừa học nghề vừa học chữ. Bạn thứ 3 thì còn nhỏ đang học cấp 2.
Lúc sau có chú xe ôm tên Tỷ nãy tôi có hỏi chỗ bán xôi xiêm cũng vào trò chuyện cùng. Chú Tỷ đề nghị tôi 250k 2 chiều đi rừng Trà Sư, rồi chú đợi chở về. Tôi mặc cả xuống 180k, chú đồng ý cả 2 hạnh phúc. Rồi tôi hỏi chú nhà nghỉ giá rẻ, chú bảo chú chở tới nhà nghỉ, không rẻ thì chú chở đi tìm chỗ khác tới khi nào thuê được thì trả chú 20k. Thế là cuộc thương lượng 200k trọn gói tìm nhà nghỉ và đưa đón đi rừng Trà Sư thành công. Tôi bảo chú mai lúc về thì cho cháu ra bến xe Châu Đốc để cháu đi Cà Mau. Không biết tôi có lại vội vã gì nữa không đây.
Tôi thuê được nhà nghỉ 150k dùng quạt không điều hoà. Tôi phát hiện ra cái quạt thông gió trong phòng bật lên thì hút gió vào bên trong mát lạnh luôn. Tắm giặt xong 21h30 tôi đi bộ dọc sông Châu Đốc, rồi quay lại hàng bánh mỳ chị C ngồi chơi.
Chị bán từ 15h tới 23h. Lúc dọn hàng chị phải gọi bạn lớn ra đẩy xe giúp về 2km, vì phải qua cái cầu Vĩnh Ngương rất dốc nữa, tới 0h sáng chị mới về tới nhà. Chị nhập xiên theo ký, bán 2 ngày được 0.5kg mỗi loại, có khoảng 10-20 loại, vài ngày mới cần nhập 1 lần. Nhập về rồi còn phải sơ chế, trùng nước sôi, để khô rồi cất tủ đông thì mới để được lâu. Hàng ngày đều phải ăn thử mỗi loại một miếng coi có bị hư không, bổ béo gì đâu. Tối nếu thừa thì về còn phải sơ chế tiếp rồi cất đi.
Chị kể cách đây 2, 3 năm, chị đi làm giúp việc nhà cho nhà người quen, bị chính người thân chèn ép quá đáng. Chị lau dọn một căn nhà 4 tầng và nhà kho được trả 3.5 triệu, lau dọn thêm 1 dãy trọ 12 phòng và 1 căn biệt thự nữa thì được thêm 1 triệu, tổng 4.5 triệu/tháng, nuôi 5 miệng ăn. Chị nói nhiều khi thân thiết mình không nói ra được, người ta mặc cả mình được giá thấp nhiều khi là mình nể, mình thương, nhưng người ta được thể lấn tới. Nghe tới đây tôi chột dạ, liệu việc mặc cả được giá thấp có phải là điều đáng tự hào, hay là tôi đã chèn ép những chú xe ôm và những cô bán hàng?
Chị kể tiếp sau đó chị nghỉ việc ra ngoài bán xiên. Từ đợt covid, mọi thứ đều trì trệ, không làm ăn được nữa, khó khăn hơn nhiều. Lúc tối muộn con lớn của chị được ba đèo ra phụ mẹ đẩy xe về. Nhìn em ấy chững chạc sương gió gần bằng ba, làm tôi còn hỏi người đèo em là bạn em à.
Lúc chào chị về, chị hỏi tôi "vậy là ngày mai em đi luôn đó à...". Tôi quý chị, chị cũng quý tôi.