Hành trình Đi về Phương Nam
Chè đậu xanh
Ngày 1 tháng 4 năm 2023, tôi bắt chuyến bay VJ812 từ sân bay Changi tới sân bay Tân Sơn Nhất, hạ cánh lúc 14h16. Trong lúc xếp cái hàng dài để nhập cảnh, tôi đặt chỗ nghỉ.
Nhập cảnh xong, tôi tìm đường ra khỏi sân bay bằng đường đi bộ. Bình thường thì toàn bắt grab hoặc có người đón nên lần đầu tôi có hơi bỡ ngỡ. Nhìn thấy 1 thanh niên cũng đeo cái túi trông giống du lịch một mình, nhìn khá kinh nghiệm, nên tôi đi theo. Nhưng sau đó đến chỗ phải đi ra thì ổng lại đi vào. Tôi nhìn theo không làm gì cả. Chắc ổng thừa tiền nên mua ít đường.
Chỗ cửa ra sân bay là cổng dành cho ô tô xe máy, không có vỉa hè, nên tôi phải băng qua 2 cái đường lớn không có vạch đi bộ. Tôi nhớ là phải đi về hướng Nam khoảng 7km thì tới được nhà nghỉ, nhìn mặt trời xác định hướng rồi đi.
Trời nắng, đã có mũ. Tôi đói, nên tìm chỗ ăn. Có vài cửa hàng lớn mở bán cơm bún bánh mỳ, nhưng tôi quyết tìm 1 hàng bán rong vỉa hè. Tôi tìm được chỗ bán bánh mỳ Việt Nam chuẩn 20k, mua thêm chai nước 7k, ngồi ở bến xe bus cạnh mấy cái thùng rác ăn uống no nê, xong đi tiếp.
Đi bộ tới Công ty Quản lý bay Miền Nam trên đường Trần Quốc Hoàn, thấy quán chè đỗ xanh, tôi vô gọi 1 ly. Nó là đỗ xanh nấu chín nghiền nhỏ, cho thêm nước dừa đặc và đá, 12k. Lần đầu tôi ăn, trời nắng, ly chè ngon mát lạnh, ăn được 3/4 thì no quá, tôi ngồi nói chuyện với cô bán chè.
Cô bán chè bán từ 8h sáng tới khi hết thì thôi. Hôm nào hên thì hết sớm. Cô bán từ năm cô 21 tuổi, tới năm nay là năm thứ 30 tròn, ngồi đúng chỗ này. Trước đây cô bán cả chè khác, nhưng sau chỉ bán mỗi chè đỗ xanh. Chè này giờ không còn lãi như trước nữa, nhưng cô vẫn phải cố bán để được đồng nào hay đồng đó, cho 2 em ở nhà lớp 7 và 8 còn được đi học. 17 năm sau ngày cưới cô mới sinh 2 em, giờ cô đã 51 tuổi. Để kiếm thêm, chú nhà cô cũng phụ bán giúp, thêm dịch vụ bơm xe, vá xe và đổ xăng tại chỗ.
Cô kể dạo này người ta lừa đảo nhiều lắm, còn cắt ghép ảnh tung lên mạng xã hội nữa. Hôm trước có người nhặt được điện thoại cháu cô, gọi cho cô để lừa rằng cháu cô mượn tiền người ta 3 triệu, cô phải trả gấp. Cũng may cô tỉnh táo, bảo người ta mang giấy tờ đến thì cô trả, nên họ mới thôi. Mới hôm bữa, có 1 chị chạy xe tay ga qua bảo làm 3 cốc, cô làm xong ra lề đường đưa, chị đó nói làm thêm 2 cốc nữa, cô vừa quay vào thì người ta phóng xe đi mất. Đến cả mấy ly chè mà cô cũng bị người ta lừa mất. Một lần khác, có anh say rượu đi qua, hỏi mua chè ăn cho tỉnh rượu. Ăn xong ảnh nói mất điện thoại mất bóp rồi, giờ không trả được tiền, bảo cô giữ tạm CCCD. Cô bảo thôi, mai đi qua đây thì trả, nhưng đã mấy tháng rồi chưa thấy ảnh đâu. Tôi nghĩ, mất bóp mà vẫn còn CCCD á. Cô nói cô có thể giúp đỡ, cho ăn, giống như nếu con cháu mình gặp khó khăn thì cũng mong có người giúp, nhưng cô không cho tiền được, vì cô cần tiền nuôi các em.
Cơm tấm sườn bì chả
Nói chuyện với cô 30 phút, tôi đứng dậy đi tiếp về hướng Nam để tìm tới Trần Hưng Đạo. Tôi hỏi chú bảo vệ ngồi vỉa hè, chú nói có 3 cái Trần Hưng Đạo lận, con hỏi đường ở quận mấy? Tôi bảo cái đường nào mà ở hướng "này" cách đây khoảng 6km ấy ạ. Chú bảo đi thẳng đường "này", nhưng mà xa lắm. Tôi hỏi xa tầm 6km ý ạ? Chú cười to mặt nhăn nói "xa lắm xa lắm, không dám nói đâu", ý là không dám ước lượng đâu.
Tôi cứ nhằm hướng Nam đi tiếp, đi dọc đường Trường Sa và Hoàng Sa, men theo 1 cái kênh, bị chuột rút 2 lần, mỗi lần 1 chân. Ngồi nghỉ 2 lần trên bờ kênh, tôi xem bản đồ và quyết định đi tới chợ Bến Thành để mua dép không thấm nước, vì vài ngày tới có thể sẽ cần. Tới một cái ngã 3, linh tính mách bảo tôi cần hỏi đường ai đó. Đúng vậy, tôi hỏi 1 chú đang câu cá trên cái kênh có treo biển cấm câu cá, chú bảo rẽ vô đường Trương Định kia tới hết công viên Tao Đàn thì tới được chợ, và không quên thêm vào "xa lắm xa lắm không đi bộ được đâu".
Tới chợ Bến Thành, tôi chụp vài cái ảnh chơi rồi đi kiếm dép. Gặp 1 hàng nhìn đôi dép cũng đẹp, tôi hỏi giá, cô bán hàng nói 250k, tôi mặc cả 150k, cô bảo không, tôi nói 200k, cô bảo 230k, tôi bảo thế cháu đi coi tiếp chỗ khác vì cháu phải để dành tiền thuê chỗ ở mấy ngày, cô đồng ý 200k.
Tôi ngồi ở vỉa hè đối diện chợ Bến Thành nhìn dòng xe ở cái ngã 5, 6 gì đó đối diện. Có bạn sinh viên chơi patin biểu diễn như tivi. Mấy cô cậu Tây đi qua vỗ tay rầm rầm.
Đi vào Trần Hưng Đạo gần đó, tới 1 hẻm có nhiều quán xá cho sinh viên, tôi đi vào. Hoá ra là khu kí túc xá của 2 trường ĐH lớn là ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Kinh tế. Mừng húm vì đồ sinh viên là chuẩn ẩm thực đường phố Việt rồi. Tôi vào 1 quán cơm tấm, gọi 1 đĩa đầy đủ sườn bì chả 52k.
Ngồi cạnh tôi là 1 ông lão tầm 70 tuổi gốc Hoa. Lúc ông lão ăn xong, thấy ông tìm gì đó, tôi đoán là hộp giấy ăn, tôi đưa cho ổng. Ổng ngạc nhiên mặt giống như "ủa sao nó hiểu mình nhanh thế". Ổng cảm ơn tôi tới 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 phút.
Ăn xong, tôi đi vào đường Đề Thám để tới phòng nghỉ. Nói là phòng nghỉ nhưng chỉ là 1 cái giường trong phòng tập thể, chuyên dành cho người du lịch bụi, hay còn gọi là dorm (ký túc). Vừa vào cái chưa kịp đặt ba lô xuống, có một anh người Ý nhờ tôi phiên dịch giùm để nói chuyện với cô chủ nhà. Ảnh bảo mai ảnh trả phòng, mà ảnh đi chơi tới 15h để ra sân bay thì ảnh gửi nhờ đồ ở đây tới 15h được không. Mọi người nói chuyện qua lại vui vẻ cười nói. Cả ảnh và cô chủ nhà như kiểu mấy ngày rồi ở chung với nhau mà nói chả ai hiểu gì, giờ được thoải mái diễn đạt cho nhau hiểu, nhìn mặt hạnh phúc lắm.
Tôi nói chuyện thêm với cô chủ nhà. Cô là người gốc Hoa, khoảng 50 tuổi, thích học thêm tiếng Anh, hay nhờ người nước ngoài tới đây nghỉ dạy cho. Cô hay trò chuyện tiếng Trung với người Nhật, người Hàn thì biết ít tiếng Trung hơn.
Tôi đi tắm, giặt áo quần, lên giường viết mấy dòng trên 2 tờ giấy kẻ ô ly xin được của cô chủ nhà, kê lên cái hộ chiếu để có chỗ viết. Lát nữa tôi còn phải đi mua kem đánh răng do lúc sáng hải quan Sing bắt vứt đi vì quá dung tích 100ml.