Thoughts On
Miền Tây 2023
Trà Sư xem mắt
Last updated on Apr 05, 2023

33-2

Xôi xiêm

6h30 dậy, tôi đi tìm xôi xiêm tùm lum cả. Đi ra chỗ chị C chỉ hôm qua mà chị bán xôi nghỉ. Xung quanh chỗ tôi nghỉ lại có mỗi chị đó bán. Tìm dò hỏi tiếp vì tôi thèm xôi lắm rồi, xôi gì cũng được. Mãi mới tìm được hàng xôi cạnh UBND phường An Phú A. Tôi gọi 1 xôi bánh phồng 10k và 1 xôi bắp 5k. Bánh phồng không phải phồng tôm, ăn xốp xốp nhưng cũng hơi ỉu ỉu. Xôi bắp thì đúng là gạo nếp, nhưng có thêm bắp, và nhão nhoét như cháo đặc. Xôi nào cũng được cho dừa vụn, đỗ vụn, và đường trắng, ngọt như người miền Tây vậy.

31-32

Ăn xong tôi gọi chú Tỷ qua đón. Trên đường đi, chú kể rằng đúng hôm nay là lễ Thanh Minh, chị bán xôi chắc nghỉ để bán đồ làm lễ, được đắt hàng hơn. Lễ Thanh Minh người ta bán bánh bao đắt hơn cả thịt heo nữa. Chú Tỷ kể ngày xưa chú là thợ bạc, sau rồi chú chuyển sang làm thợ vàng ở tiệm vàng. Chú làm rất được nhưng sau người ta không thuê nữa, vì nhiều thợ vàng được chủ giao vàng cho 10-15 cây rồi lấy trộm hết. Người ta không tin nữa nên chú không kiếm được việc. Sau đó chú muốn tự mở tiệm nhưng không đủ tiền vì ngày xưa tiêu pha không tiết kiệm. Để mở tiệm vàng cần 5-6 cây vàng, mỗi cây khoảng 50 triệu, tổng là 300 triệu. Mua máy móc là 30-50 triệu nữa. Giờ người ta làm bằng máy hết, một lượt máy chạy ra cả rổ trang sức, sức người làm không lại. Tiệm vàng ở Châu Đốc dày đặc, đi vài chục mét lại thấy 1 tiệm. Một tiệm vàng ở Châu Đốc bán vàng tính bằng cân chứ không bằng lượng nữa.

Chú nói vàng có nhiều tuổi, từ 1 tới 10. Số tuổi chính là tỉ lệ pha vàng với bạc. Vàng 10 tuổi là vàng nguyên chất không pha, thường được mua để cất và đầu tư là chính. Vàng 7 tuổi là để làm trang sức. Tôi nhớ không nhầm thì vàng 7 tuổi là 7 phần vàng 3 phần bạc. Chú kể có 1 tiệm chú làm ngày xưa giờ rất phát đạt, một phần nhờ công chú. Giờ khi họ cần chở gì hay lấy đồ gì thì sẽ gọi chú chở giùm, trả chú 1.5 - 2 lần tiền so với bình thường.

Chèo xuồng

Vào tới rừng tràm, tôi mua vé 100k vào cửa, 50k đi xuồng chèo tay, 50k xuồng máy, và 1 ly thốt nốt. Thốt nốt trắng đục như thạch, nhìn béo béo như đuông dừa, hay nhộng, hoặc 1 con đỉa trong suốt, rất ngon và mát. Trời nắng nóng nhanh nên tôi tranh thủ đi xuồng chèo tay trước rồi mới đi xuồng máy để thăm rừng. Mỗi xuồng có 1 lộ trình khác nhau trong rừng. Xuồng máy đi được vào sâu hơn.

Xuống xuồng chèo tay, 1 chị chèo cho tôi đi 1 mình 1 xuồng. Vừa đi được vài mét, cò vạc thi nhau bay nhảy khắp các cây tràm. Lần đầu tôi thấy vạc, nó nhìn giống con cuốc, nhưng mà cao hơn, chân dài hơn, nhìn có vẻ thông minh hơn. Lúc đó tôi nhớ tới câu "Cái cò cái vạc cái nông, ba con cùng béo vặt lông con nào", đang định hỏi chị rằng con này ăn ngon không nhưng mà thấy vô duyên nên thôi.

Chị chèo xuồng kể rằng chị làm từ 2006. Lúc đó chị thường đi trồng tràm. Rừng tràm chủ yếu là tràm ta, gần đây người ta có trồng thử nghiệm tràm ngoại nhập từ Đài Loan. Tràm ta thì lá ngắn, thân gồ ghề, xấu nhưng rất chắc chắn, mối mọt không ăn được (hoặc không thèm ăn). Tràm ngoại lá dài hơn, xanh mướt, nhưng trồng được vài tháng là mối mọt bắt đầu gặm. Tràm ở đây không trồng để khai thác mà trồng để làm nơi ở cho các loại động vật để bảo tồn chúng.

Chị kể ngày xưa khách vắng hơn, nhưng cũng ít người chèo hơn, nên kiếm được. Bây giờ khách nhiều lên, nhưng cũng nhiều người chèo, nên tính ra thu nhập vẫn vậy. Vé 50k thì chị nhận được 10k cho 30 phút chèo tay. Không chèo thì không được trả công, không có lương cứng. Một ngày chị kiếm được 100k, ngày đông thì được 200k. Khách bo cho ít nào thì cho, không thì cũng cảm ơn.

Tôi kể chị nghe hôm qua tôi đi Cần Thơ chèo xuồng, nhưng mà phải chèo 1 bên rồi đảo tay chèo qua bên còn lại để nó không xoay vòng vòng. Tôi thấy chị chèo có 1 bên mà xuồng vẫn đi thẳng và vẫn cua được. Chị dạy tôi là phải chèo khua nước 1 cái để lấy lực đẩy xuồng trước. Ngay sau cái khua lực đó là phải xoay chèo dọc ra để làm bánh lái và lái cho xuồng đi thẳng.

Đi xong xuồng chèo tay, tôi sang xuồng máy. Đi sâu hơn vào rừng, thảm bèo tai tượng và lục bình xanh ngập mặt nước, nhìn như đang ở trên đất liền vậy. Chú tài công nói xuồng máy cũng được nhận 10k như xuồng chèo tay. Đi xuồng máy thì ít thấy chim hơn, vì chim không chịu nổi tiếng ồn của động cơ nên trốn hết.

Thay ong chúa

Tôi tiếp tục đi vào tới khu tham quan bên trong rừng. Công ty Sao Mai chỉ thuê 1 phần nhỏ để khai thác du lịch. Khu bên trong là thuộc kiểm lâm quản lý và khai thác du lịch riêng. Đầu tiên tôi gặp khu nuôi ong lấy mật với anh Phú là quản lý. 1 lít 300k, nguyên chất 100%. Một chuồng ong có 6-7 kèo. 1 kèo là 1 khung gỗ để ong làm tổ, hình chữ nhật, kích thước 60 x 30cm. 1 kèo có thể quay li tâm ra hơn 1 lít mật, 1 chuồng có 6-7 kèo. Có khoảng 60 chuồng như vậy, nhu cầu mật ong rất lớn và vẫn tiếp tục tăng. Kì lạ là tôi đi cùng anh Phú vào kiểm tra các chuồng ong, ong bay xung quanh mà không đốt tôi, và tôi cũng không thấy sợ, dù mặc áo cộc quần đùi.

Ong thợ không đốt, làm việc vất vả 15-30 ngày thì ngất mãi mãi. Ong thợ làm tổ 10-15 ngày được 1 kèo. Ong đực giao phối với ong chúa xong cũng chớt. 1 ngày ong chúa có thể đẻ 2k - 3k trứng. Ong chúa khi yếu quá rồi sẽ bị thay thế bằng ong chúa mới. Ong chúa mới được nuôi trong 10-15 ngày, với chuồng riêng, kích thước 20 x 20 x 10 cm. Ong chúa trông to khác thường, rất dễ nhìn ra. Khi nó bò trong tổ, các con ong khác giống như đang dạt ra tránh đường vậy. Anh Phú cứ 1 tay cầm lò khói đốt từ gỗ tràm khô, thổi vào đám ong, thỉnh thoảng tiện mồm thổi luôn khói thuốc lá đang hút vô chung.

Anh Phú kể ngày xưa ba anh truyền nghề cho, sau này được kiểm lâm cử đi học về ong, đặc tính và công năng của mật ong để đi quảng bá giới thiệu sản phẩm. Anh nói thời đại này chỉ cần 1 người trên mạng chê là tiếng xấu đồn xa, nên cần phải giữ chữ tín. Nhìn anh cực kì kinh nghiệm và tâm huyết. Tôi hỏi cách nuôi ong chúa mà ảnh bảo nó phức tạp lắm em không hiểu được đâu.

Mình ên

Bye a Phú, tôi leo lên tháp quan sát để nhìn toàn cảnh rừng tràm, nó rộng gì đâu. Từ tháp quan sát đi xuống, tôi nán lại gần cây cầu gỗ mất 15k vào để chụp ảnh, gặp 1 em gái ngồi đó thu tiền. Em tên Sương, làm ở đây cũng được vài tháng, lương 3 triệu 9, thưởng lễ tết chứ không thưởng doanh số, kiểm lâm trả. Chồng em làm ở đây 4 năm ở nhà hàng gần đó, giới thiệu em vào. Em mới 20 tuổi, vừa lấy chồng được 1 năm, là đi xem mắt, phải quyết định trong 3 ngày, cưới rồi mới yêu. Em nói có yêu chồng, chồng cũng yêu em, giúp đỡ em việc nhà, mà mỗi cái ảnh hay nhậu lắm.

Sương khi đang là sinh viên năm 1 thì phải nghỉ học để cưới chồng. Tôi hỏi ba má em bắt cưới à, em nói là bà và các dì bắt. Ba em mất từ khi em còn nhỏ, má em mất 2 năm trước. Ba má chồng cũng mất rồi. Tôi hỏi thêm về việc học, em nói ngày xưa thi đỗ vào ngành CNTT ĐH An Giang ở Long Xuyên. Em vẫn muốn đi học, không muốn lấy chồng sớm nhưng cãi bà cãi dì không được. Giờ cho đi học thì thực ra em cũng không biết học gì vì CNTT khó quá. Ngày xưa em chọn CNTT vì sau này dễ kiếm việc. Em cũng không muốn sống ở TP lớn để kiếm nhiều tiền, em chỉ cần sống ở TP nhỏ như Châu Đốc hay Long Xuyên là được rồi. Đi học xa phải ở "mình ên (opens in a new tab)" (một mình - tiếng địa phương). Ở đây còn gần chồng gần gia đình. Tôi muốn nán lại nói chuyện thêm, nhưng chú Tỷ đợi tôi 3 tiếng rồi nên tôi chào em rồi đi ra luôn. Chú chở tôi ra bến xe Hùng Cường để tôi bắt xe đi Cần Thơ, để rồi từ Cần Thơ đi Cà Mau.

Ra bến xe Châu Đốc đợi xe, tôi đi ăn trưa, gọi cơm sườn 45k. Ngồi nói chuyện với Bảo, cháu của bác bán cơm, học lớp 1 mà 7 tuổi vì đợt dịch covid nên học lại. Bảo nói mình bị quê vì học với mấy đứa nhỏ hơn. Bảo kể rằng chị hai nói phải học cao lên cấp nhà nước, thì mới được làm ở Sở khoa học, em rất cố gắng học để được làm ở đó. Mẹ nói chị hai đang học lớp 9, xong sẽ bỏ lớp 10 để học nghề kiếm tiền, rồi cho cưới 1 anh bên Mỹ để được sang Mỹ. Tôi hỏi Bảo sau này em sẽ học nghề hay học cấp 3. Bảo nói em sẽ vừa học vừa làm, vì phải làm mới có tiền đi học, và phải học thì mới lên được cấp nhà nước. Chị hai phải đi làm luôn là vì nhà em cần tiền gấp.

Lúc tạm biệt Bảo, em nói "khi nào anh lại ghé nựa nghen". Bà Bảo ở đó trêu "còn dặn dò nựa", ý là chỉ có thương có quý lắm mới dặn dò như vậy.

Tôi lên xe đi Cần Thơ, nửa thời gian đầu ngồi cạnh bạn nữ nghịch tiktok. Tôi vẫn ngủ được chút. Nửa thời gian sau bạn chạy xuống cuối xe nghịch tiếp. Tới bến xe trung tâm Cần Thơ, tôi vào quán Nhi mua bánh mỳ, gặp Nhi ở đó. Tôi chào Nhi, mà ẻm không nhớ, trong khi cả mẹ và anh giúp bán hàng còn nhớ tôi. Tôi vội chào mọi người rồi lên xe đi Cà Mau.

Trên xe đi Cà Mau, cậu trai trẻ ngồi trước tôi lại bay tiktok. Còn tôi vẫn cố viết được mấy dòng này, vì lát tới là 23h30 rồi, tìm chỗ nghỉ ngủ thì không kịp viết. Tầm 20h30 tôi không nhớ, xe dừng ở trạm dừng chân 20 phút cho mọi người nghỉ ngơi. Trong trạm có nhãn hàng cà phê Tình Người, mà cái logo thì nhìn như chữ K ở đầu. 21h30, xe đang dừng ở bến xe Bạc Liêu.

34