Trụ gió số 7
8h sáng dậy không hẹn giờ, tôi tìm chỗ thuê honda. Người dân miền Tây gọi xe số là honda, gọi xe tay ga là tay ga. Các cửa hiệu sửa xe máy sẽ ghi là "Sửa chữa honda, tay ga". Tôi tìm được công ty Năng Động mà hết xe số 150k, còn xe số 200k nên tôi tìm chỗ khác. Tôi tìm được chỗ thuê được hẳn tay ga mà 150k/ngày.
Cuốc bộ ra chỗ thuê xe, tôi dừng mua bánh mỳ chả cá Bạc Liêu. Chả cá đặc biệt chỉ Bạc Liêu mới có. Anh chủ quán nói trước dịch bán bánh mỳ đắt hàng lắm, 4 xe bánh mỳ bán 1 ngày được 10 triệu. Hồi đó anh bán 12k/ổ, đếm 1k 2k nản muốn chớt. Giờ bán 15k thì đỡ đếm rồi. Anh nói đi làm bảo vệ lương ổn định 16 triệu/tháng, nhưng mà sinh ra lười biếng, cứ ngồi một chỗ cả ngày. Ăn xong, tôi tạt qua hàng nước mua ly nước ép bưởi lê khổng lồ bổ sung vitamin C mang đi.
Đi bộ nắng nôi tới chỗ thuê xe 2km, nhận xe, kiểm tra xăng, đi qua cây xăng Trần Phú mua, tôi hướng tới cánh đồng điện gió Bạc Liêu, cánh đồng điện gió lớn nhất Việt Nam. Đi tới đoạn đường không tên song song với đường 31 thì thấy các trụ điện gió, và cả ảo ảnh sinh ra do nắng nóng.
Đi vào điểm du lịch điện gió, gửi xe 5k, mua vé tham quan 30k. Hầu hết khách du lịch sẽ đi bộ ra chụp ảnh ở đầu con đường 650m dẫn ra trụ gió 1 rồi quay lại căng tin ngồi, có vài người thì ra tới hẳn trụ gió 1. Tôi ngồi nghỉ 1 lúc rồi đi ra trụ 1. Đang chụp cánh quạt, 1 nhóm bạn nam đi du lịch gợi ý chụp ảnh cho tôi nhưng tôi từ chối. Rồi mấy bạn lại xin được chụp ảnh cho tôi tới lần thứ 3 thì tôi cũng đồng ý, thế là tôi có bức hình hiếm hoi có mặt mình. Vài bạn ở Sài Gòn, vài bạn ở Sóc Trăng, chắc nhóm bạn đại học.
Có 1 thanh gỗ chắn ngang đường ra các trụ gió khác. Tôi chui qua. Mấy bạn gọi tôi lại, tôi không nghe, các bạn hét "ĐI VÔ NGAY", tôi phì cười rồi đi tiếp. Đường đi rất nguy hiểm, đường nhỏ hẹp hơn cả 1 sải tay. Nắng nóng, gió to, sóng mênh mông, rất dễ say nắng, say sóng, chóng mặt trúng gió. Mỏi chân, đi dễ xiên vẹo, lảo đảo là lao xuống biển luôn. Đi khoảng hơn 2km là tới trụ cuối cùng, trụ số 7. Cả đi cả về là 4.5km. Trong lúc đi tôi phải đếm số bằng tiếng Anh, hát, hoặc nói nhảm thật to để giữ đầu óc tỉnh táo. Vừa đi vừa sợ, tim đập nhanh, vừa tưởng tượng cảnh rơi xuống biển thì phải làm gì. Ra tới trụ gió số 7, nhìn vào đất liền chẳng thấy rõ bờ nữa. Chỗ tôi đứng đang rất gần rìa thềm lục địa rồi.
Quay lại căng tin, tôi tìm ngay chai nước bổ sung muối khoáng chống mất nước. Lúc đó là 14h, quá mệt để thấy đói. Tôi uống nửa chai nước rồi lăn ra cái võng làm 1 giấc 15 phút. Tỉnh dậy, sức hồi, tìm cơm mà trong căng tin không bán cơm bún gì. Đi ra cổng, tôi hỏi chú bảo vệ gần đây chỗ nào bán cơm bún thì chú nói cách đây 2km có cái chợ mới có. Tôi bảo chú cho cháu đi mua đồ ăn xíu rồi lát cháu quay lại đây ngồi ăn cho mát và cho cháu gửi xe lại để đỡ mất 5k gửi xe. Chú đồng ý vui vẻ rồi còn dặn tôi lát vào trong kia thì bảo người ta là đi mua cơm, cho xin vào ngồi nhờ để ăn.
Tập gym trong chùa Xiêm Cán
Tôi lên xe đi, đi 1 đoạn thấy nắng nóng mà xa quá mãi không thấy quán ăn, nên tôi quyết định không quay lại nữa mà về luôn TP. Trên đường về tôi bị đi quá chỗ rẽ, dừng đúng chỗ 1 ngôi chùa tên Xiêm Cán, có kiểu cách trang trí rất lạ mà tôi chưa thấy bao giờ. Chùa Xiêm Cán là 1 trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Bạc Liêu mà tôi định bỏ qua vì tôi nghĩ chùa chiền thì giống nhau. Nhưng không, đây là chùa của người Khmer, nhìn rất lạ. Tôi đi vào, chụp ảnh vài cái, nhìn ngó xung quanh.
Đang tính đi kiếm ăn tiếp thì thấy mấy chú tiểu mặc bộ quần áo màu cam đang làm gì đó. Tôi tới lại gần hỏi chuyện. Luân 17 tuổi, Vương 24 tuổi, Phát 21 tuổi, và Linh tôi quên không hỏi tuổi. Các em vào đây đều có chung 1 lý do, đó là thấy thích, tự nguyện muốn vào, để tu, để làm điều thiện, để trả ơn sinh thành của ba mẹ. "Thích" ở đây không giống như thích bánh mỳ, thích bún chả, hay là yêu, mà nó là 1 sự tự nguyện đến từ bên trong tâm. Cả bọn nghĩ mãi không tìm được từ nào để diễn tả được cái sự thích này.
Luân lúc 14 tuổi xin ba mẹ cho vào chùa, ba mẹ đồng ý luôn. Từ nhỏ ba mẹ cũng thờ Phật, nên Luân cũng nghe giảng giáo lý nhà Phật từ nhỏ. Hàng sáng, các em sẽ đi khất thực ở các nhà dân gần chùa. Người ta cho gì thì ăn đó. Đồ khất thực 1 buổi sáng là đủ cho cả sáng và trưa, buổi tối thì mọi người chỉ uống nước, ăn hoa quả. Ở đây không cấm ăn thịt, trừ 1 số loài động vật như rắn, hổ, chó, mèo. Tôi hỏi vì sao thì các em không biết, nhưng có đoán là có thể do những loài đó hung dữ, mình ăn vào thì tâm tánh có thể bị ảnh hưởng. Nếu đồ ăn không ngon thì cũng không được chê, nếu chê thì nói vui với nhau thôi, chứ tâm mình không chê. Linh nói "nếu dở thì đã có nước tương", cả bọn đồng tình phá ra cười.
Sắc dục thì cấm, nhưng người ta có thể hoàn tục để lấy vợ. Trong này là Phật giáo Nam Tông, thì không có nữ tu, Phật giáo ngoài Bắc là Bắc Tông, tôi không rõ là có nữ tu không. Cả 2 tông đều thờ cả Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà. Phật Thích Ca Mâu Ni, hay Phật Tổ, là Phật đầu tiên và có thật, sáng lập ra Phật Giáo.
Tôi hỏi các em đang làm gì đây, các em nói đang quét sơn cho Tháp Các Ngài Hoà Thượng. Tháp này được công đức bởi 1 gia đình, có giá trị 1 tỷ đồng. Các sư thầy sẽ thuê người xây. Tháp này thờ các sư thầy đã mất. Bên cạnh tháp này là Tháp Cốt. Tháp Cốt để tro cốt và di ảnh của người dân, không phân biệt giới tính, giàu nghèo. Ai muốn được đặt tro cốt trong chùa đều được, chỉ cần xin các sư thầy. Bên cạnh tháp cốt là 2 tháp lò thiêu để hoả táng người khuất. 2 tháp này có 2 ống khói cao, rất dễ nhận biết. Mỗi ngôi chùa đề có tháp Xá Lợi, là tháp thờ Phật và chứa một phần cơ thể của Phật. Nhiều ngôi chùa giữ 1 phần của Phật Tổ như ngôi chùa bên Myanmar có giữ 1 sợi tóc của Ngài. Ngoài các tháp này còn rất nhiều tháp khác. Chùa nào cũng vậy, tuỳ nhu cầu và điều kiện vật chất mà xây. Bên ngoài các tháp trang trí hoa văn con rồng lai rắn, khác với con rồng ở các chùa Phật giáo Bắc Tông. Ở 2 bên hông tháp thường có 2 con kỳ lân hoặc voi. Trong sân chùa thỉnh thoảng có mấy cái cột có phượng hoàng tạc ở trên đỉnh. Trước cửa mỗi tháp thường có Phật Thích Ca Mâu Ni ở giữa và 2 chư tiên ở 2 cửa bên.
Trong này các em được học cả 3 cấp, sử dụng sách của Bộ Giáo dục được dịch sang tiếng Khmer. Chữ Khmer là chữ tượng hình, giống tiếng Trung. Các em nói thành thạo cả tiếng Khmer và tiếng Kinh, nhưng nhiều từ các em chưa dịch được sang tiếng Kinh. 2 thứ tiếng này đều có cái khó riêng và khó như nhau. Trong giao tiếp hàng ngày các em thường dùng tiếng Khmer. Các em cũng được học cả tiếng Anh. Sẽ có sư thầy được cử đi học lớp bên ngoài rồi về dạy. Các em không cần học hết các môn học theo chương trình của Bộ, mà chọn lọc ra thôi. Trong 1 môn học cũng không cần học hết các bài. Ví dụ sẽ không có cảm thụ bài văn bài thơ, nhưng cũng có làm văn miêu tả, so sánh, ẩn dụ. Các bạn học hết lớp 12 thì sẽ chọn đi học đại học hoặc học nghề, hầu hết là học nghề. 1 số rất ít sẽ đi ôn thi ở các trung tâm để thi ĐH. Có 2 bạn của các em rất giỏi, đang học làm Bác sĩ ở ĐH Y Dược Cần Thơ.
Hiện tại các em đang nghỉ hè, hay gọi là "qua con". Học theo lịch của người Khmer là từ tháng 5 tới tháng 2. Khi trong năm học thì sẽ học cả ngày, học cả chữ và học cả giáo lý Phật, vậy nên mới không thể học hết mọi thứ theo Bộ Giáo dục được. Hàng ngày sẽ có các cô tự nguyện nấu cơm rửa bát cho các em. Bát các thầy thì các thầy tự rửa. Các em sẽ 1 ngày quét chùa 2 lần, thay nhau cọ rửa toilet, lau dọn các vật dụng trong chùa. Buổi trưa ai thích thì ngủ. Thuốc lá trên 18 tuổi thì không cấm, nhưng cấm săm. Săm từ trước khi vào chùa thì không sao. Phát có 1 hình săm rất ngầu dưới xương đòn trái, nhìn như biểu tượng gia tộc Hashirama trong Naruto. Tôi hỏi muốn tập gym thì làm thế nào, các em nói có tạ tự làm bằng bê-tông, có người tập gym có người không tập gì, cũng giống người dân ở ngoài. Còn các thầy thì buổi sáng hay tự tập nhẹ nhàng.
Nói chuyện tới 16h, tôi cảm ơn các em vì đã dành thời gian cho tôi. Tôi muốn ở lại lâu hơn nữa vì nói chuyện với các em thật yên bình. Tôi hỏi có quán ăn nào gần đây không thì các em nói có 1 quán bún ngay bên trong sân chùa ở gần cổng. Tôi đi ra, gọi 1 tô, chỉ có bán bún bì, có bì heo, thính, thịt heo nướng xắt mỏng thon chì, rau húng, kinh giới, xà lách, nước sốt dừa loãng thơm nhẹ, và mắm cá tưới lên. Ăn rất lạ, rất ngon, thật sự rất ngon, giá 20k. Ăn xong, tôi về bến xe Bạc Liêu, bắt xe Phương Trang đi Cần Thơ lúc 17h20.
Cuộc tình tay bốn
Lên xe, tôi đánh 1 giấc. Giờ tôi về Cần Thơ nghỉ, mai đi Sài Gòn nghỉ tiếp, để chủ nhật bay. Xuống xe ở Cần Thơ, tôi ghé Adora. Tôi đi qua Cần Thơ tới 3 lượt rồi, cảm giác như quay về nhà vậy, đi tung tăng nhún nhảy cả, rất thoải mái dễ chịu.
Tắm giặt xong là 20h30, tôi đi ra công viên Lưu Hữu Phước chơi, nghịch với lũ chó cảnh, có mấy con dơ dáy cứ liếm mông nhau. Tôi nhập 1 hội đá cầu gần đó. Ở đây người ta chơi chó cảnh, đá cầu, cầu lông, hát hò, guitar, nhảy múa, aerobic, đủ các loại hoạt động, và ai cũng có thể tham gia 1 nhóm bất kì.
Đá cầu tới 22h thì tôi mỏi, đi kiếm chỗ ăn tối. Gặp 1 nhóm 3 bạn đang hát chơi guitar và cajon, tôi ngồi lại chơi. 3 bạn Thắng, Tân, Khôi học trường Kinh tế ĐH Cần Thơ. Các bạn chia sẻ rằng mới ra trường, đang tìm công việc. Tối nay cầm đàn ra công viên ngồi hát giải toả căng thẳng. Cả 3 bạn đều đang làm chung với nhau trong 1 dự án sử dụng tiktok để quảng bá hình ảnh Cần Thơ. Hiện tại video ngắn đang rất thịnh hành, quảng cáo qua tiktok còn nhiều tiềm năng, nhưng hầu hết các video đều quay dựng không cẩn thận, nội dung không được đầu tư. Các bạn sẽ làm khác đi, đầu tư vào nội dung, và dựng những bộ phím giống phim tài liệu nhưng sẽ hiện đại, tập trung vào những hình ảnh người tốt việc tốt ở Cần Thơ, để quảng bá hình ảnh con người nơi đây.
Tôi có trao đổi với các bạn về tình hình AI sắp loại bỏ 1 số ngành nghề. Tân nói em muốn làm designer, dựng những bộ phim kỹ xảo như Marvel. AI nó tự vẽ được rất đẹp và nhanh, không cần tới designer nữa. Bây giờ mình cần biết cách tận dụng nó, biến nó thành 1 công cụ, chứ không thể để nó loại bỏ mình được. Những người không thích nghi được sẽ bị loại.
23h30, mấy anh em vẫn chưa ăn gì. Thắng đèo tôi đi mua bánh mỳ và nước. Tôi có kể hôm trước tôi có thử ngủ bụi ở công viên. Thắng cười kể rằng hồi ĐH năm 1, em lên TP tìm chỗ trọ trước ngày nhập học nhưng không được, nên tối đó phải ngủ ngoài đường. Hôm đó em bận đi làm về muộn. Về tới TP thì muộn lắm rồi, trong túi lại chỉ có 20k. 3 năm cấp 3 em đều đi làm khi tới nghỉ hè để có tiền phụ ba mẹ.
Mấy bạn, người ở Vĩnh Long, người ở Cà Mau, nhưng đều thích sống ở Cần Thơ vì quen, vì con người, vì văn hoá. Mấy bạn nói lên Sài Gòn nhiều cơ hội nhưng mức sống cũng cao, mà xô bồ, không như ở đây được. Khôi thì trầm tính, cảm thấy không phù hợp làm Hướng dẫn viên du lịch, nên chọn công việc làm video editor. Thắng thì mau miệng, làm được cả Hướng dẫn viên.
Mùa dịch, đợt cả nước cách ly cao điểm, không ai được ra ngoài, 3 bạn đã cùng sống trong 1 phòng trọ suốt hơn 1 tháng. Điều kì lạ thứ nhất là cả 3 đều ghét nhau, vì đều thích chung 1 bạn nữ. Điều kì lạ thứ 2, là trong khi các sinh viên đều chọn về quê với gia đình, thì 3 đứa ghét nhau này lại chọn ở lại Cần Thơ. Lúc đầu không chung trọ, nhưng lại quyết định chuyển vào ở chung để sống sót cùng nhau qua dịch, khó hiểu gì đâu. Có những lúc gia đình gửi tiền, 3 đứa tiết kiệm được cả 10 triệu, mà không mua được gì, vì không ra ngoài được, có ra được cũng chưa chắc người ta bán, mà có bán cũng đắt quá không dám mua, 3 quả cam mà 60k. Có những ngày phải qua trường ĐH xin khoai ăn, cơm nấu thành cháo loãng để húp, sinh hoạt thì về đêm để ngày ngủ mười mấy tiếng cho đỡ đói.
Phòng bên cạnh phòng 3 bạn có em bé, nên 3 bạn phải đóng cửa phòng suốt cho đỡ ồn. Cái phòng nó nực gì đâu. Trong phòng có 1 cái võng, 3 thằng cứ tranh nhau, 1 cái nệm không dám giặt, vì giặt là không có chỗ ngủ, dơ kinh khủng, và 1 cái quạt máy công suất thấp quay qua quay lại.
Cả ngày có quá nhiều thời gian rảnh, mấy đứa coi Hài Tục Tĩu của Phong Lê và Phillip Đặng. Có hôm Tân nó đang ngủ thì Thắng vắt chanh vô miệng, mặt Tân chắc nó nhăn nhó biểu cảm lắm. Có rất nhiều video được Tân và Khôi quay lại, nhưng cả 2 đứa này đều rủ nhau mất điện thoại, thế là chẳng còn gì lưu lại, chỉ còn bức ảnh Tân vẽ cái phòng có 3 đứa.
Cả hơn tháng trời sống như vậy, Khôi kể thường thì nằm mơ sẽ thấy những thứ diễn ra hàng ngày, nhưng đây thì nằm mơ cũng vẫn thấy nhau. Trước khi ở cùng, mấy đứa ghét nhau còn nói rằng chỉ ở tạm, hết dịch sẽ đường ai nấy đi. Sau hết cách ly, 3 đứa đường ai nấy đi được vài tuần thì lại nhớ những kỉ niệm khi ở cùng nhau, rồi lại quay về với nhau. Mặc dù Tân đã có được cô bạn kia, nhưng 2 bạn còn lại cũng đã có người thương rồi.
Sau mấy lượt hát hò nhạc Trịnh, nhạc Phan Mạnh Quỳnh, trò chuyền về sự nghiệp, văn hoá, đời sống ở Việt Nam và nước ngoài, về tình yêu, cơm áo gạo tiền, mấy anh em tạm biệt nhau vì mai Tân về quê sớm. Tôi về ngủ, trong lúc viết mấy dòng này thì ngủ quên luôn tới sáng.