Thoughts On
Đà Nẵng 2022
Last updated on Apr 29, 2022

sun-flower-bana-hills

Tháng 4 năm COVID thứ 3, tôi tới Đà Nẵng để dành thời gian với gia đình sau gần 2.5 năm không về Việt Nam được. Đà Nẵng có nhiều thứ để chơi, có nhiều nơi để chụp ảnh, mà cứ rảnh lại phải đi ăn. Đồ ăn ở đây có cái chất của miền Trung chịu khó, và sự hiền lành tử tế của người dân nơi đây. Tuy vậy, những địa điểm nổi tiếng đó và những đồ ăn nổi tiếng đó, ai cũng có thể tới và ai cũng có thể ăn, chỉ có những câu chuyện của những người tôi gặp thì không phải ai cũng biết. Hãy để tôi chia sẻ cho mọi người cùng nghe 4 câu chuyện xinh.

Câu chuyện 1

Một tối, tôi đi dạo ra biển. Tôi gặp một bạn nữ người Hà Nội tên S, đang đi bộ một mình, mang một đôi dép nữ tính, với một mái tóc cá tính, đính kèm một chiếc khẩu trang để lộ ra đôi mắt lấp lánh. Bạn ấy học ngành báo chí, mới đi làm 1 năm, không hợp công ty nên vừa nghỉ việc, đã nhảy 3 công ty rồi, đang đi du lịch một mình để “enjoy cái moment”.

Bạn ấy kể ngày trước bạn ấy chọn học báo chí vì mong ước được đi nhiều nơi. Bạn ấy chọn ngành Báo in vì không thích sự xô bồ của các phương tiện điện tử. Bạn ấy làm được cả thiết kế quảng cáo, biết luôn cả quay phim, dựng phim, biên tập và làm phim. Bạn ấy cũng thích Haruki Murakami, cũng đọc Nguyễn Nhật Ánh, và thích những truyện ngắn của một tác giả trẻ gì đó tôi quên rồi. Bố bạn ấy ngày trước làm rất nhiều nghề, đi rất nhiều nơi nên bạn ấy bảo chắc mình giống bố, cái số cứ đưa đẩy đi khắp nơi. Bạn ấy không từ chối đi chơi với bạn bè, nhưng đi du lịch một mình thực sự rất tuyệt vời.

Ngồi nói chuyện với nhau, tôi hiểu thêm về những trăn trở về sự nghiệp của bạn ấy. Có những câu chuyện rất giản dị về cuộc sống hàng ngày, về bạn bè của bạn ấy, về gia đình của bạn ấy, và cả những đam mê nhỏ bé chưa có cơ hội vụt sáng của bạn ấy. Chúng tôi chia sẻ những kỉ niệm thời sinh viên, những suy nghĩ về những cuốn sách chúng tôi đọc, và những bản nhạc chúng tôi cùng thích. Chúng tôi nói về những nơi mà chúng tôi đã tới và sẽ tới ở Việt Nam, về những món ăn của quê hương, về những con người chúng tôi gặp, và những câu chuyện chúng tôi thu lượm được. Một bạn nữ thú vị.

Câu chuyện 2

Một tối khác, tôi đi ăn bánh mỳ ở quán bánh mì chảo đối diện 198 Trần Bạch Đằng. Tôi gặp chị T chủ quán người Sài Gòn, có ông chồng tên P người Bỉ. Gia đình chị T được 2 cậu bé khoảng 3 tuổi và 6 tuổi, dễ thương và nghịch, chốc chốc lại phiên dịch giùm ba xem má vừa nói cái chi. Ông P, ổng phàn nàn đợt dịch vừa rồi, chính phủ Việt Nam tính ngày bắt đầu Visa của ổng là từ ngày Visa được cấp, chứ không phải từ ngày ổng nhập cảnh vào Việt Nam. Visa của ổng có hạn 30 ngày, mà ổng mất 20 ngày để đặt vé máy bay và chuẩn bị giấy tờ rồi, thành ra ổng chỉ còn có 10 ngày ở lại với vợ con sau mấy năm không gặp. Nhìn ổng buồn mà tôi cũng rầu theo.

Quán bánh mỳ của chị T có một bạn nữ phục vụ người Đà Nẵng cực kì xắn xinh. Bạn ý tên N, học lớp 12, mà không muốn đi học đại học. Bạn nói rằng học xong chưa chắc đã có việc làm, và cũng muốn để cho anh trai và em trai học đại học nữa, vì học đại học mắc lắm. Học lấy cái nghề như là làm dịch vụ du lịch thì xin việc dễ hơn. Nhìn bạn ý nói chuyện ngại ngùng dễ thương muốn xỉu.

Ngồi chơi một lúc, chị T gọi bạn chị ý là 2 anh L và T tới nhậu. Tôi cũng ngồi nhậu cùng. Ngồi nói chuyện một hồi thì biết anh L là gốc Đà Nẵng, có quốc tịch Úc, vợ người Philippines. Ảnh ngày xưa là lập trình viên, rồi làm quản lý của một công ty phần mềm lớn của Việt Nam, quản lý toàn bộ nhân viên ở khu vực Đông Nam Á hay Châu Á gì đó tôi quên rồi, hiện tại về Đà Nẵng làm việc và quản lý cái business của anh ấy. Chúng tôi nói về chuyện người chọn nghề và nghề chọn người, về chuyện chọn môi trường làm việc, rồi lại nói qua chuyện hồi mới đi làm không biết gì, xong lại đá qua chuyện kinh tế chính trị ở Nam Cực, rồi lại nói cả chuyện đánh bida, được lúc lại tỉa sang chuyện người yêu vợ con gia đình, chán rồi lại nói chuyện đồng tiền và cách sống. Tôi đang liệt kê các câu chuyện theo một thứ tự chứa rất nhiều bia cho nó giống cái logic lúc nhậu nên là bạn đọc đừng phàn nàn. Đoạn sau hết bia nhé.

jellyfish

Câu chuyện 3

Ngồi nhậu tới 22h30 thì mấy anh em tạm biệt nhau. Tôi định về nhà ngủ vì mệt rồi nhưng nghĩ thế nào lại đi ra biển. Tôi ra nơi đuôi sóng đầu bãi cát dạo loanh quanh, nhìn thấy một bạn nữ mặc áo phông trắng, kiểu áo vai lười suông rộng, trên áo còn có hình con thú gì đó, mang đôi giày cũng trắng, đeo khẩu trang cũng trắng nốt, tiếc là tóc không trắng, đang đi bộ tung tăng một mình. Tôi đi ra bắt chuyện, hóa ra bạn ý còn đi cùng với 2 bạn nữ nữa. Cả 3 bạn đều là sinh viên năm nhất chơi với nhau từ bé, trong đó có 2 bạn là sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng tên H và T, bạn còn lại cũng tên T là cô giáo tiếng Anh tương lai, đang học trường Đại học Ngoại ngữ Huế. Mấy bạn ở Quảng Trị, nhà gần vùng núi giáp biên giới Việt Lào nên biết gió Lào, không gần biển nên thích ăn hải sản. Có 1 bạn nhà có 3 anh chị em, 2 bạn còn lại nhà có 4 anh chị em. Rất mắn.

Ngồi nói chuyện với các bạn, tôi được khai sáng về tỉnh Quảng Trị và con người ở đó. Hóa ra ở vùng núi cũng có lũ lụt ngập đến tận nóc nhà, chó gà chạy trên mái luôn. Lũ lụt xảy ra có đợt 2 năm 1 lần, có đợt lại 2 lần 1 năm. Như trong bài Ai Cũng Có Ngày Xưa của Phan Mạnh Quỳnh, hồi bé các bạn ấy cũng "bé lắm có biết đâu, thích bão giông ngập lũ", vì được chuyển sang nhà người khác ở. Được sang ở nhà người khác là một điều gì đó rất hạnh phúc. Sau này lớn lên rồi phải chuẩn bị đồ đạc để đi tránh lũ cùng bố mẹ nên không còn thích lũ nữa. Đồ đạc mang đi được cũng không có nhiều, chỉ có vài thứ quan trọng. Mỗi lần như vậy, nhà cửa phải sửa lại, đồ đạc cũng phải mua sắm lại ít nhiều. Có nhà bạn có vườn cây hoa màu thì cũng ngập úng. Tôi ngồi nghe và tưởng tượng về những hình ảnh ấy.

Tôi cũng biết thêm về địa hình sông suối phong cảnh của nơi các bạn ý sống, có những cánh đồng hoa tím và homestay đẹp không kém mà chỉ có bằng hoặc hơn Đà Lạt, có những cột sản xuất điện gió chẳng thua kém gì Quy Nhơn, có hồ Lao Bảo thơ mộng ngay sát trường cấp 3 Lao Bảo của các bạn với nhiều câu chuyện rùng rợn như mọi cái hồ khác. Tôi còn được nghe một loạt những chuyến phiêu lưu hay ho "đặc sản" của vùng biên giới, về những chuyến đi rừng "lội" sông Xê Pôn, mà tôi không tiện kể ở đây. Đang ngồi nói chuyện thì có 1 ông cực kì "danh danh" đi gửi tình yêu vào những ngọn sóng đang vỗ về dạt dào trong đêm đen. Ông 1 vừa hành sự xong thì 2 đồng bọn khác thấy phong cảnh nước non hữu tình nên bất bình cũng muốn gửi gắm thêm chút tình cảm cho nó giảm bớt cái sự hữu tình đi. Trong tiếng địa phương Quảng Trị thì "danh danh" có nghĩa là "vô duyên" hoặc "nói nhiều".

Hội "danh danh" ngồi nói chuyện tới tận 2h30 sáng, nói gì mà nói lắm như mới yêu. Nhưng phải nói lắm như vậy thì hội mới có duyên thấy được sao băng rơi vào bầu khí quyển. Sao băng rơi vào bầu khí quyển thì nó không trắng sáng như bình thường, mà nó có tia lửa ở đuôi như pháo bông. Chưa hết, hội còn chứng kiến cả mặt trăng máu trên biển Mỹ Khê. Mấy bạn coi cái ảnh ở dưới chưa qua chỉnh sửa gì, mặt trăng khuyết lưỡi liềm nó đỏ như vậy luôn.

blood-moon

Trưa hôm sau để tạm biệt, tôi mời mấy ẻm đi ăn, mấy ẻm cứ đòi mời tôi ăn kem bơ thì mới cho tôi mời ăn bún mắm. Cưng dễ sợ.

Câu chuyện 4

Nếu mấy bạn có tới Đà Nẵng, nhớ phải ghé qua hàng bánh mỳ que ở vỉa hè ngã 3 Đỗ Bá - Võ Nguyên Giáp mua 1 bánh mỳ que, rồi mang tới quán nước mía ở vỉa hè ngã 4 Đỗ Bá - Trần Bạch Đằng, gọi 1 nước mía để ăn cùng bánh mỳ nhé. Thực ra hôm đó tôi ăn 2 bánh mỳ và gọi 2 nước mía. Đây là một sự kết hợp chưa bao giờ được nhắc tới trong sách giáo khoa.

Chị bán nước mía người Đà Nẵng rất duyên, hiền lành và thân thiện. Chị dạy cho tôi cách phân biệt các loại máy ép nước mía ngon và không ngon. Máy ép nước mía ngon là loại máy đời đầu, mỗi khi rửa phải tháo các bộ phận ra để chùi rửa nên khá vất, có giá 10 triệu. Máy ép nước mía không ngon là loại xe đẩy, có cơ chế rửa nhanh không cần tháo các bộ phận ra nên người bán thường rửa không kĩ, có giá 6 triệu. Chị mua cái máy 10 triệu này tầm 2 năm trước. Vừa mua xong thì dịch dã ập đến, mới bán được 2 hôm đã phải nghỉ tới 2 năm. Hôm tôi qua quán chị là lần thứ 3 chị khởi động cái máy này để bán hàng.

Chị còn dạy tôi cách làm nước mía ngon nữa. Mía cần được để khô thì nước ra mới đặc và chất, uống cực đã, nhưng sẽ khiến mía ít nước đi, lợi cho khách hàng nhưng vất vả cho người bán. Nhiều người bán hiện nay ngâm mía trong nước đường hóa học để tăng lượng nước trong mía và tăng độ ngọt của nước mía. Lúc ép nước mía thì phải cho một quả tắc (quất xanh) vào thì nước mía mới thơm và thanh. Ngoài ra còn có thể cho thêm thảo mộc gì đó tôi quên rồi. Ngoài việc nói chuyện với chị bị khô họng ra thì đây là lý do chính mà tôi đã gọi 2 nước mía.

Gia đình chị mía có 2 cháu, một cháu lớp 10, một cháu lớp 1. Cháu lớp 10 học xong cấp 3 sẽ cho đi bộ đội. Chị nói cháu nó thông minh, học được nhưng không ham học, học là phụ thôi chơi mới là chính yếu. Cho đi bộ đội cũng vì có ba làm bộ đội nữa. Chị cũng nghĩ như em N lớp 12 ở quán bánh mỳ tôi kể ở trên, nếu học đại học thì phải học hẳn hoi, còn nếu học cho qua thì mất thời gian lắm, học xong chưa chắc đã có việc làm, mà học đại học còn tốn kém nữa!

Đang ngồi nói chuyện với chị mía thì có 2 cậu nhân viên của nhà hàng bên cạnh xách 2 cái bình nước lọc rỗng đi để đổi bình nước mới. 2 cậu đang loay hoay không biết lấy xe đâu để đi vì lúc về phải vác 2 bình rất nặng mà phải đi bộ 1-2km thì hơi vất mà đi lâu về bị chủ la. Chị nước mía bảo 2 cậu lấy xe chị mà đi, xe chị là cái xe vẫn cắm chìa khóa kia kìa. 2 cậu mặt ngơ ngác, vì chẳng quen biết gì, tự nhiên lấy xe chị đi á. Tôi cũng vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Chị ấy thậm chí còn không thèm rút chìa khóa xe ra luôn, mà cũng chẳng quan tâm 2 cậu kia có quen biết gì không.

Kết

da-nang-sky

Đêm cuối cùng, tôi rời Đà Nẵng. Từ trên bầu trời nhìn xuống, hầu hết những thứ tôi nhớ về nơi đây là những con người tôi gặp, những câu chuyện tôi gom. Có những cảm xúc không nói thành lời, có những kỉ niệm không gọi thành tên, không đầu không cuối, chưa thể dừng nhớ về được.